- Quân sĩ trụi!
- Dạ... !
Trời! Có ông cha nào lại kêu con gái mình như thế không? Hỏng biết ba nó gọi thế là cưng nó hay là muốn ém nhẹm cái tên dễ thương của nó nữa. Nghe nói ba nó gọi nó như thế vì hồi nhỏ nó bị ghẻ lở ghê gớm lắm. Mẹ nó rất cực nhọc khi nuôi nó lớn. Mẹ nó cứ tưởng là lớn lên đầu nó không có một sợi tóc nữa chứ. Thế mà bây giờ tóc nó ra rất đẹp. Và còn đen thiệt là đen nữa.
Năm đó nó mới có bảy tuổi hà. Gia đình nó không mấy giàu sang. Nhưng đủ ăn đủ mặc. Hằng ngày ba nó đi cào, kéo dìa rất nhiều tôm cá. Còn có rất nhiều đồ chơi cho nó nữa. Cầm những cái đồ chơi xanh xanh, đỏ đỏ đủ loại màu trên tay, nó nghĩ không biết ai đó quá ư là xài phí, lại vứt đi những cái này ở dưới biển. Hay hỏng chừng đứa nhỏ đó biết nó hỏng có đồ chơi nên đem để xuống biển cho ba nó vớt dìa tặng lại nó.
Ba nó cưng nó lắm. Nó thường theo ba xuống dưới ghe ngủ. Lúc nào ba nó cũng bên cạnh nó nên nó chẳng sợ bất cứ điều gì. Ba nó rất thích nhậu. Mỗi khi đi nhậu ông ta điều dắt nó theo. Các bạn bè xung quanh thường trêu ba nó :
- Mày dẫn con nhỏ đi khắp nơi vậy hỏng sợ nó giống mầy ghiền rượu sao?
Ba nó chỉ cười khà khà. Rồi xoa đầu nó bảo :
- Tuy nó là con gái, nhưng giống tao như đúc. Mày để ý tướng đi của nó với cách nói chuyện nó coi. Y hệt như tao, cả cái ăn cũng vậy.
- Trời, con nhỏ là con gái đó cha nội. Tướng đi hàng hai hàng ba của gã sai rượu như mày thiệt khổ cho con nhỏ. Còn nữa, mày ăn uống đổ tứ lung tung, bộ mày muốn con gái mày nữa lớn lên ế sao.
- Khà khà, cái đó là chuyện mai này. Còn chuyện trước mắt thì... khà khà... mày coi nè...
Vừa nói xong, ba nó bưng ly rượu đưa nó:
- Quân sĩ trụi nè! Ba say quá xá rùi. Con phải làm sao để giúp ba đánh gục mấy chú coi?
Ba nó vừa dứt lời, nó đưa tay đỡ ly rượu của ba nó và uống một cách nhanh nhẹn khiến các bạn của ba nó chỉ biết trố mắt, lắc đầu.
- Tao sợ mày luôn đó.
Có một bữa nọ, cả gia đình nó ăn cơm xong. Mẹ nó bảo:
- Anh nè, sao còn chưa rửa chén?
Ba nó vừa xỉa răng, vừa rung đùi gọi nó:
- Quân sĩ trụi
- Dạ......... !
- Con đem mớ chén này ra vứt xuống ruộng đi con. Mình giàu rồi, hỏng cần rửa chén chi cho mệt. Ba nó vừa vứt lời, nó vội đem một chồng chén đũa liệng hết xuống ruộng. Báo hại ba nó phải đi lượm lại. Và còn phải năn nỉ mẹ nó muốn gãy lưỡi luôn.
Một đêm nọ, nó không biết chuyện gì xảy ra trong gia đình. Không biết ba nó chuẩn bị đi đâu mà mẹ nó cứ khóc thút thít. Rồi ba nó ôm nó bảo:
- Quân sĩ trụi ngoan, ba lúc nào cũng ở bên con hết. Con ngoan nhe! Ba sẽ trở về rất nhanh.
Nói xong, ba nó hôn lên trán nó, lên tay nó, rồi ba nó đi vội vã. Nó chỉ biết nhìn theo bóng ba nó thôi. Mà có nhìn được cái gì đâu. Đêm tối đen hà. Đến sáng hôm sau thì nó nhớ ba nó lắm. Nó trèo lên nóc nhà nhìn xa xa ra mé sông. Nó vẫn không thấy ba nó dìa. Nó buồn lắm. Đột nhiên, nó nghe tiếng máy ghe quen thuộc. Nó mừng quá tuột vội xuống khi thấy dáng bác ba của nó từ xa xa tiến vào. Nó chạy lại ôm chân bác và đòi bác dẫn ra ngoài ghe gặp ba. Bác từ chối và còn dọa đánh nó nếu nó tiếp tục đòi đi.
Bác ba vào nhà nói gì với mẹ nó rồi ra đi vội vã. Nó lại phải trèo lên nóc nhà để nhìn ra xa ngoài mé sông. Nó cất tiếng gọi thật to :
- Ba ơi! Ba đừng bỏ con. Ba ơi! Cho con theo với.
Chắc ở dưới ghe ba nó không nghe thấy nó hay sao đó, nên chiếc ghe từ từ chạy đi mất dạng. Nó chỉ biết tiếp theo nhiều đêm ba nó không về. Rồi mẹ nó bắt đầu buồn bã, khóc lóc. Nó hằng ngày chỉ biết ngắm mấy món đồ chơi của ba tặng. Nó nhớ ba nó lắm, lúc nào cũng hỏi mẹ nó khi nào ba nó về, mẹ nó không trả lời mà chỉ ôm nó vào lòng rồi khóc nức nở.
Thời gian qua thật nhanh. Mới đó mà nó đã mười bốn tuổi. Cũng là lúc nó vui mừng không kể xiết. Vì chỉ đôi phút nữa thôi là nó sẽ gặp lại ba nó. Nó tin là ba nó cũng vui lắm. Trong thư, ba nó thường bảo nhớ nó lắm mà. Nhưng có phải là vì xa cách hay không, hay là vì ba nó không còn là ba nó nữa. Hay là người ba thật sự của nó đã bị chôn sâu dưới đáy biển của mấy năm về trước rồi. Nó không biết nữa, chỉ biết là người đứng trước mặt nó có hình dáng y như ba nó nhưng cử chỉ, hành động và lời nói khác xưa lắm. Đáng lẽ đoàn tụ gia đình thì nào là ôm hôn, nào khóc lóc.v.v... Còn đàng này hỏng có gì hết. Nó chỉ nhận được ánh mắt xa lạ của ba nó thôi. Chẳng những thế mà ba nó cũng không nói gì với nó cả. Nó buồn lắm khi nghe ba nó nói chuyện với em trai nó:
- Ê cái thằng kia! Mày biết tao là ai không?
Không! Chắc chắn là em trai nó không biết. Vì khi ba nó đi, mẹ nó mới mang bầu em trai mấy tháng thôi. Mà nói gì em trai chứ, cả nó còn không nhận ra được người cha xưa kia của nó đó mà. Hồi còn ở Việt Nam, nó nghe người ta kể nhiều lắm về xứ Mỹ, xứ của giàu sang và tự do. Người ta cũng nói thêm, xứ Mỹ rất kỳ cục, cha con thường xa lạ lắm. Có khi người cha hay mẹ vô tình la rầy đứa con và lỡ đánh nó một bạt tay thôi là bị vô tù ngay. Còn cha mẹ già là bị đem vào viện dưỡng lão, có khi chết mà hỏng ai hay nữa. Lúc đầu nó không tin. Nó không tin xứ Mỹ giàu sang mà không tình nghĩa như thế. Hơn nữa, đời mà, ở đâu lại không có những trường hợp ngoại lệ ấy.
Nhưng rồi một hôm, mẹ nó khóc sướt mướt. Ba nó lần này lại ra đi. Mấy tháng trời đoàn tụ, nó không thấy cái gì gọi là mái ấm gia đình cả. Ba nó ở bên này có người đàn bà khác. Khi mẹ nó sang, nghe tin mẹ nó cũng bỏ qua. Chỉ mong là ba nó có thể trở lại với gia đình và chung sống vui vẻ. Thế mà, mọi chuyện thay đổi. Ba nó thật sự ra đi. Còn hơn thế, hành hạ mẹ nó đủ điều.
Phải chăng trong cuộc sống con người luôn thay đổi. Tình vợ chồng, tình cha con không cái chi là vĩnh cửu chăng? Và con người cũng không nên mơ ước, không nên mong mỏi những cái mà mình không thể có, hay những cái mình đã bị mất thì khó tìm lại được chăng? Ờ mà nó còn nhỏ quá, làm sao nó hiểu được những triết lý của đời sống phức tạp này.. Trước mắt nó giờ chỉ thấy toàn cảnh đau khổ, than van của mẹ nó và cảnh đánh đập của ba nó thôi. Còn cái cảnh cô bé lên bảy tuổi khóc la đòi theo ba cho bằng được, hoặc những nụ hôn từ giã, những cái xoa đầu của ba nó dành cho nó đã lùi thật sâu vào quá khứ. Không biết rồi tương lai sẽ đi về đâu? Ba nó có hối hận vì đã phản bội mẹ nó không? Và khi già yếu rồi, ba nó có bị đi vào viện dưỡng lão sống một mình cô độc không? Rồi những khi bịnh hoạn, ba nó có ai chăm sóc không nhỉ? Cuộc đời phải chăng luôn là những câu hỏi cho tương lai? À mà phải chi lúc trước nó cũng nên đặt ra câu hỏi: "Liệu nó có nên gặp lại ba nó không?" Thà hỏi như thế mà nó không bị thất vọng, không bị đau buồn khi thấy mái ấm gia đình trong mơ ước của nó bị tan rã.
Xứ Mỹ này không biết có bao nhiêu trẻ em mất ba, mất mẹ nhỉ? Và không biết có bao nhiêu đứa được sống yên ổn trong vòng tay thân yêu của ba mẹ mình đây? Hay là như nó, đều không có ba?
diên vỹ
Hết